Ở TPHCM, nhắc đến tên “Hùng Loa”, nhiều người nhớ đến ngay anh Trần Văn Hùng, một chủ cơ sở sản xuất loa dành cho người khuyết tật. Từ đứa trẻ mồ côi, bươn chải kiếm tiền lập nghiệp, cuộc đời của ông chủ trẻ này gắn chặt với thân phận của những người khuyết tật bất hạnh. Ông Mã Hoàng Lê, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật - TPHCM, cho rằng: “Bao nhiêu năm lo dạy nghề, việc làm cho người khuyết tật, anh Hùng luôn đi cùng chúng tôi. Sự đồng cảm, cái tâm nghề nghiệp thật đáng quý...”.
Khởi nghiệp
Anh Trần Văn Hùng quê ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Mẹ mất sớm, cha cũng không gần gũi để nuôi con, những năm tháng đầu đời Trần Văn Hùng sống trong tình thương của bà nội. Lớn lên, anh hiểu rằng mình không như những trẻ khác sẽ có ba mẹ dìu dắt trên đường đời, nên luôn ý thức phải tự thân vận động. Lên TP, ngoài giờ học ở trường, anh thường đến chợ Nhật Tảo (TPHCM) phụ việc bán hàng điện tử. Bươn chải mưu sinh, nghề dạy thêm nghề và chính công việc này giúp anh nuôi ý tưởng sản xuất loa mang nhãn hiệu Việt.
Anh bắt đầu công việc bằng cách tích cóp tiền ra chợ mua linh kiện về lắp ráp loa. Anh kể: “Lúc đó tôi chỉ nghĩ lắp ráp thử, làm đến đâu mày mò đến đó, chứ chưa tin sẽ... nghe được ngay. Không ngờ ráp xong, chỉnh lại vài lần, loa phát ra tiếng. Vui hơn cả là chất lượng âm thanh không hề thua kém các loại loa ngoại bán ở chợ Nhật Tảo”... Thế là được! Từ những chiếc loa đầu tiên, anh càng quyết tâm hơn. Nhưng làm loa đã khó, bán được nó lại càng khó hơn, nhất là đối với mặt hàng này, người dân vốn chỉ thích của nước ngoài. Quyết chí làm cho được, anh rong ruổi khắp mọi miền, khi xuống Cà Mau, lúc lặn lội ra tận Hà Nội, hoặc miền Trung để quảng bá sản phẩm của mình.
Peace PA-108D – Thương hiệu đặc biệt
Khi sản phẩm được người tiêu dùng chú ý cũng là lúc anh nghĩ ngay đến việc cho ra đời cơ sở sản xuất. Năm 2000, cơ sở sản xuất loa mang tên Hùng Loa ra đời. Điều đặc biệt là công nhân mà anh tuyển dụng toàn là người khuyết tật, không nghề, trình độ văn hóa thấp. Đầu tiên, anh tuyển 8 nhân viên khuyết tật vào các công đoạn lắp ráp và hướng dẫn cho họ thao tác trên các công đoạn. Khi việc kinh doanh thuận lợi cũng là lúc số lượng người khuyết tật tăng dần. Đến tháng 5-2004, ampli Peace PA-108D - sản phẩm của người khuyết tật -được tung ra thị trường, có chỗ đứng hẳn hoi. Peace có nghĩa là hòa bình và với ampli Peace PA-108D, đó là thương hiệu đặc biệt, sự tôn vinh thành quả của người khuyết tật mà Trần Văn Hùng muốn mọi người nối vòng tay giúp họ hòa nhập cộng đồng. Anh tâm sự: “Còn gì ý nghĩa bằng giúp họ chứng minh... tàn nhưng không phế, sống có ích cho mình và xã hội”...
Điểm tựa của người khuyết tật
Đầu năm 2006, để mở rộng quy mô sản xuất, cơ sở Hùng Loa tại Gò Vấp được di dời ra Củ Chi-TPHCM. Trên diện tích hơn 2.000 m2, Trần Văn Hùng thiết kế nhà nghỉ, phương tiện làm việc... phù hợp với công nhân khuyết tật.
Hiện tại, ngoài cơ sở nói trên, Trần Văn Hùng còn có 2 cửa hàng bán loa ở quận 10 và 60 đại lý trên cả nước. Từ 8 lao động ban đầu, đến nay cơ sở Hùng Loa thu hút hơn 30 lao động là người khuyết tật với thu nhập bình quân từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Văn Thương - hiện là kỹ thuật viên của cơ sở vốn bị liệt chân - cho biết: “Trước đây, tôi rất mặc cảm với dị tật của mình. Ý định làm việc tôi cũng không hề nghĩ đến. Nhưng khi được anh Hùng tuyển vào làm, dạy cho cái nghề, tôi đã tự tin hơn hẳn”. Sau 6 năm gắn bó với cơ sở, từ chuyện lập gia đình, sinh con, anh Thương đều được sự quan tâm giúp đỡ của ông chủ Hùng Loa. Cuối năm rồi, niềm vui của anh Thương được nhân đôi khi vợ anh, cũng là người khuyết tật được cơ sở Hùng Loa cưu mang, hạ sinh một đứa con kháu khỉnh. “Chúng tôi coi cơ sở như gia đình bởi tại đây chúng tôi tìm thấy được niềm vui, có điểm tựa để vượt qua khó khăn, bất hạnh”.
Ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết cả nước hiện có gần 6 triệu người tàn tật, riêng TPHCM là 40.000 người. Nếu mỗi doanh nghiệp chỉ cần nhận một người khuyết tật vào làm việc thì TP sẽ không còn một người khuyết tật nào không có công ăn việc làm. Cơ sở Hùng Loa đã làm được điều này. Cái tâm nghề nghiệp và cách làm vì cộng đồng của ông chủ cơ sở Hùng Loa đã giúp rất nhiều người khuyết tật vượt qua số phận...
Người Lao Động (26/02/2007)